Nhận xét (trích) Xuân Thu nhã tập

Dưới đây là những nhận xét khái quát, và chỉ mang tính tham khảo:

Qua phần lý thuyết của Nhã tập, ta thấy nhóm Xuân Thu có tham vọng chủ trương một đường lối tự lập hẳn hòi, để "cứu các nghệ sĩ khỏi phải lúng túng vì những ảnh hưởng ngoài"...Và theo họ, thơ là "cái gì siêu thoát ra ngoài ước lệ, ở trên lý trí, nó rung động ta theo nhịp của vũ trụ hồn nhiên, v.v".... Song lối thơ ấy khi tung ra gặp sự phản kháng hay chế giễu của nhiều người. Thơ chi mà bí hiểm đọc không ai hiểu gì, và người ta đã đem chữ "lập dị, hủ nút" để tặng nhóm Xuân Thu...Trong một bài viết, Diệu Anh đã chỉ ra cái nhược điểm ấy, khi trách thơ ra khỏi luận lý, đặt sự cảm thơ ra ngoài sự hiểu thơ... Câu thơ phải có nghĩa mới dễ gợi cảm. Bảo thơ cổ của ta hay vì hàm súc gợi cảm là đúng, nhưng thơ ấy không có cái lối kiến trúc giống như thơ của nhóm Xuân Thu. Đọc Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh,...người ta phải hướng về phương Tây mới tìm thấy sự tương tự ở Paul Valéry, Jean Cocteau,...Vì thế, vài nhà phê bình cho rằng họ học đòi theo những trường phái bí hiểm của Pháp, và gọi họ bằng những danh từ Pháp như tượng trưng, siêu thực, đa đa, lập thể...[8]
  • Nhà nghiên cứu Trần Huyền Sâm:
...Cho đến nay, chúng ta chưa có những đánh giá xác đáng về hiện tượng Xuân Thu nhã tập: Cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác...Trong tiến trình của văn học Việt, tôi nghĩ, hiếm có nhóm sáng tác nào lại độc đáo như Xuân Thu nhã tập. Độc đáo về chủ thể sáng tác, về đặc điểm thể loại và độc đáo về lịch sử số phận tác phẩm. Xuân Thu chỉ tồn tại trong vòng mấy năm (1942-1945), và chỉ gồm mấy tác giả, nhưng lại hội tụ đầy đủ cả "đại gia đình" nghệ thuật: Thơ ca, âm nhạc, hội họa. Số lượng sáng tác cũng rất "khiêm tốn" nhưng lại rất đa dạng về thể loại: thơ, văn xuôi, tiểu luận... Là một nhóm nghệ thuật có tính tổ chức, Xuân Thu nhã tập có hẳn một nguyên lý sáng tác, một hệ thống quan điểm nghệ thuật riêng. Mục đích sáng tác cũng khá độc đáo "Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện: TRÍ THỨC - SÁNG TẠO - ĐẠO ĐỨC "...Ngay từ khi ra đời, Xuân Thu đã mang một tinh thần tiên phong với ý thức cách tân táo bạo. Mục đích cách tân thể hiện trên hai phương diện:- Không lặp lại cái tôi của Thơ mới.- Chống lại sự đồng hóa của phương Tây để ngăn cái họa mất gốc. ...Xuân Thu nhã tập từng được đánh giá như một "hiện tượng nghệ thuật độc đáo, lý thú", những "trang viết tuyệt vời". Xuân Thu cũng đã từng bị xem như những gì "tắc tị, tăm tối, bí hiểm". Nếu tránh được những ý kiến cực đoan, biết gạt bỏ những hạn chế tất yếu của Xuân Thu, chúng ta có thể tìm thấy những hạt nhân hợp lý, những giá trị đích thực để vận dụng vào công cuộc đổi mới của văn học hôm nay...[2].